Xuất thân và võ nghệ Đặng_Văn_Long

Đặng Văn Long tự là Tử Vân quê ở làng Đại An huyện Tuy Viễn phủ Quy Nhơn, nay thuộc xã Nhơn Mỹ huyện An Nhơn, Bình Định. Lúc nhỏ ông học võ, tinh thông môn cương quyền. Sau đó, ông tìm tới thầy Trương Văn Hiến ở An Thái xin học môn miên quyền. Đặng Văn Long tính tình điềm đạm, học rộng hiểu nhiều, được ân sư họ Trương chăm dạy chu đáo. Khi còn ở trường, Đặng kết thân với Nguyễn Huệ và Phan Văn Lân.

Có sức khỏe hơn người và chăm chỉ tập tành,được thầy đem hết những bí truyền dạy cho, Đặng Văn Long trở thành một cao thủ. Ông được các bạn đồng môn gọi là Đặng Vô Địch vì tuyệt giỏi cả hai môn ngạnh công và miên quyền. Ông có thể nằm dưới đất, cánh tay đỡ được bánh xe nặng, nên ở Quy Nhơn người ta gọi ông là Thiết Tý Đặng (họ Đặng cánh tay sắt).

Cha Đặng Văn Long là Đặng Văn Lõi vốn từ Bắc Hà cùng với mấy người đồng hương có nghề rèn vào lập nghiệp ở đàng trong lập ra làng Thiết Trụ, nay thuộc xã Nhơn Hậu Huyện An Nhơn. Ông được dân làng An Khê thờ làm vị tổ nghề của địa phương.[2] Qua đó có thể khẳng định rằng ông Đặng Văn Lõi đã cũng theo con là Đặng Văn Long lên Tây Sơn thượng đạo rèn vũ khí cho Tây Sơn và truyền nghề rèn cho dân làng địa phương, nên mới được dân làng tôn là tổ nghề.

Đặng Văn Long sinh năm Bính Tý (1756), nhỏ hơn Nguyễn Huệ 3 tuổi, cũng coi là đồng trang lứa.

Tương truyền theo dân gian, Nguyễn Huệ đã gặp ông trong một trường hợp đặc biệt.Anh em Tây Sơn chuẩn bị dấy binh, rất thiếu thốn về binh khí. Mà bọn quyền thần Trương Phúc Loan thì ra lệnh cấm các thợ rèn rèn gươm búa côn chùy… Chúng đề phòng các cuộc khởi nghĩa nổi dậy.

Nguyễn Huệ vất vả đi lùng thợ rèn để rước về Tây Sơn thượng đạo. Đến Đại An, gặp một người cao lớn dùng đoạn tre to gánh khoảng mười vuông lúa đi băng băng, Nguyễn Huệ thầm phục liền xuống ngựa hỏi thăm. Người nọ hứa sẽ dẫn đường đi tìm thợ rèn. Nguyễn Huệ ghé vai gánh giùm, nhún mình lên, đoạn tre gãy đôi. Tiện tay, Nguyễn Huệ nhổ một cây trắc bên đường thay đòn gánh. Người nọ quá kính phục sức khỏe phi thường ấy, quỳ xuống lạy. Người ấy không ai khác chính là Đặng Văn Long.

Nghe tiếng Nguyễn Huệ đã lâu, nay mới giáp mặt, Đặng Văn Long vui mừng khôn xiết. Ông mời Nguyễn Huệ về nhà, làm cơm thết đãi và tặng một thanh đại đao quý. Qua trò chuyện, biết tổ tiên ông mấy đời làm nghề rèn, Nguyễn Huệ mời Đặng Văn Long tụ nghĩa. Cảm phục tài đức Nguyễn Huệ, ông nhận lời giúp Tây Sơn. Nhờ có ông, nghĩa quân Tây Sơn được trang bị thêm nhiều vũ khí.

Sau khi Đặng Văn Long gặp Nguyễn Huệ và chấp nhận lời mời của Nguyễn Huệ lên Tây Sơn thượng đạo rèn vũ khí cho phong trào Tây Sơn đang trong quá trình chuẩn bị ngày dấy nghiệp, thì cả nhà Đặng Văn Long vẫn ở chỗ cũ.

Đến năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra thì vợ con và 2 em Đặng Văn Long chạy về Háo Đức, cách Thiết Trụ chừng 25 km, nay thuộc xã Nhơn An huyện An Nhơn. Và con cháu Đặng Văn Long vẫn ở Háo Đức cho đến tận ngày nay [3]

Nơi quê hương không có đối thủ, Đặng đi giang hồ khắp đó đây hầu tiêu dao ngày tháng. Nơi Đặng thường lui tới là các danh sơn đất Bắc. Bởi vậy, khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Đặng Văn Long còn mãi ở tận phương Bắc trên bước đường vân du. Khi Đặng về đến Nghệ An thì gặp lúc vua Quang Trung kéo binh ra Bắc, dừng lại Nghệ An để tuyển thêm quân. Đặng Văn Long liền đến nhập ngũ.